LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

XIN MẸ THƯƠNG CÁC LINH HỒN




Huyền ảo trong làn khói tỏa nghi ngút từ những nén nhang tại các gia đình, trong các nhà thờ và ở các nghĩa địa, cùng với những ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn, cây nến,… Đó là biểu hiện bề ngoài mang đậm dấu ấn tâm tình lồng trong từng thánh lễ, lời kinh nguyện, việc bác ái, sự hy sinh,… của những lữ-khách-trần-gian thành kính dâng lên Thiên Chúa để xin đại xá cho các đẳng linh hồn.
Nét đạo đức và vẻ thánh thiện ấy đẹp biết bao, chắc chắn Thiên Chúa rất vui lòng mà phóng thích các linh hồn thoát khỏi chốn cực hình khốn khổ!

Tháng Mười Một là Tháng Đại Xá, vì có biết bao ơn đại xá được thực hiện dành cho các linh hồn. 

Tháng Mười Một cũng là Tháng Bổn Phận, Tháng Yêu Thương, Tháng Đền Ơn Đáp Nghĩa, vì những người còn lưu ký trần gian có dịp đền đáp công ơn của các vị tiền nhân – tổ tiên, ông bà, cha mẹ,Tháng Mười Một nhắc nhở mỗi người chúng ta đều phải “uống nước nhớ nguồn” và “ăn cây nào rào cây nấy”, không chỉ cố gắng sống Hiếu Thảo trong cuộc sống đời thường mà còn cả trong đời sống tâm linh.

Tháng Mười Một đẹp thật! Đẹp vì bao hồng ân và ơn nghĩa hòa quyện thành khối yêu thương kính dâng Thiên Chúa giàu lòng thương xót.




 Tháng Mười Một còn đẹp vì trời đất đang mùa Thu, thiên nhiên biến đổi, không khí chuyển lạnh, cây cối thay lá,… Ở các nước Tây phương có những loại lá với nhiều sắc màu, rực rỡ như hoa, thế nên người ta gọi lá chính là “hoa của mùa Thu”. 
Tháng Mười Một nở rộ Hoa Linh Hồn, những Tân Thánh Nhân được nhập đoàn Chư Thánh nơi Thiên Quốc.

Tháng Mười Một là lúc bước gần cuối năm, một năm kết thúc gợi nhớ thời điểm chấm dứt đời người. Những chiếc lá vàng úa gợi nhớ sự từ giã trần gian, người này chia tay những người khác để bước vào cõi vĩnh hằng.

Không chỉ từ ngày 1 tới ngày 8 tháng Tháng Mười Một, mà là cả Tháng Mười Một, thậm chí là hàng ngày trong suốt năm, chúng ta vẫn có thể lãnh ân xá và làm các việc lành để nhường cho các linh hồn. Dù một việc rất nhỏ, và dù chỉ là việc cá nhân, nhưng chúng ta làm vì yêu mến Chúa và cứu các linh hồn, thì việc nhỏ đó vẫn được Thiên Chúa coi là công phúc, độc đáo là người này có thể làm việc lành thay cho người khác. 


Trong Chuỗi Mân Côi, sau mỗi chục, chúng ta cũng vẫn cầu xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Lời cầu nguyện chứa chan yêu thương, thật đẹp biết bao!

Cực hình hoặc lửa nơi luyện ngục và hỏa ngục không như cực hình và lửa như chốn trần gian. Cực hình khốn khổ nhất là không được diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa, còn lửa trần gian chỉ là “gió mát” so với “siêu lửa” ở luyện ngục và hỏa ngục. 
Cực hình và lửa thiêu ở luyện ngục và hỏa ngục giống nhau, chỉ khác điều này: Linh hồn ở luyện ngục chịu cực hình một thời gian rồi được phóng thích, còn linh hồn ở hỏa ngục chịu cực hình đời đời.
                                               

Chúa Giêsu luôn thao thức vì không muốn mất bất kỳ một người nhỏ bé nào trong chúng ta, Ngài muốn tất cả phải nên thánh, vĩnh cư với Ngài trên Thiên Quốc, nhưng điều đó hoàn toàn tùy thuộc mỗi chúng ta, vì Ngài cho chúng ta hoàn toàn tự do chứ Ngài không hề ép buộc. Cả chương 17 (gồm 26 câu) trong Tin Mừng theo Thánh sử Gioan là lời cầu thống thiết của Chúa Giêsu kính dâng Chúa Cha trước khi Ngài “uống chén đắng”, làm hy tế đền tội thay cho chúng ta qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Chúa Giêsu khao khát mọi người NÊN MỘT, và Ngài muốn rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó. Thánh Tâm Ngài đầy ắp yêu thương và tốt lành vô cùng, không trí tuệ nào có thể tưởng tượng nổi!

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng con, chúng con xin cảm tạ Ngài. Xin giúp chúng con biết đoàn kết để “nên một” theo Thánh Ý Ngài, để bất kỳ ai gặp chúng con thì cũng đều nhận thấy Chúa hiện diện nơi chúng con, và xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng với Giá Máu Cứu Độ của Ngài. Vì công nghiệp của Đức Kitô và Mẹ Maria  xin xót thương mà tha thứ hình phạt cho các linh hồn, và cho các linh hồn được hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Amen.





Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

CẦU NGUYỆN CHỮA LÀNH - ĐAM MÊ TÌNH DỤC








        CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA                                   

Một trong những cách cầu nguyện chữa lành là ca ngợi Chúa. 
Qua ca ngợi Chúa, chúng ta tôn vinh, chúc tụng và đặt niềm tín thác vào Chúa. 
Qua ca ngợi Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi bệnh tật về thể xác và tâm hồn.
 Ca ngợi đưa chúng ta trở về với tình yêu và lòng thương xót bao la của Chúa.
                     Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu, cùng với Mẹ Maria, chúng con dâng Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót này lên Chúa, để cậy nhờ cuộc tử nạn đau thương của Chúa, xin Chúa chữa lành thể xác và tâm linh cho những người nghiện sex, mà chúng con cùng nhau hiệp ý cầu nguyện cho họ. Xin Chúa đem họ trở về, và nhận chìm trong lòng đại dương Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.

I- Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Thứ Nhất – Xin Chúa Chữa Lành Về Tâm Linh
Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Trong màn đêm u tối, Chúa Giêsu quỳ bên tảng đá trong vườn cây dầu cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Ngài thấy trước cuộc khổ nạn cay đắng sót xa mà Ngài sắp phải chịu vì tội lỗi của nhân loại.

Thế giới hôm nay đang chìm trong bóng đêm của mạng lưới tình dục trên internet. Mỗi ngày là mỗi trận chiến thiêng liêng mà con người phải chống lại những cám dỗ, chống lại sự mời gọi của nền văn minh sự chết. Tâm linh của những người nghiện tình dục bị chìm lặn trong đại dương của những “trang mạng đen” không lối thoát.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương tâm linh của những người nghiện tình dục, để xin Chúa chữa lành và giải thoát cho họ về:

- Sự xúc phạm và lạm dụng thân xác làm hoen ố đến Đền Thờ của Chúa Thành Thần.

- Sự phản bội, chối bỏ tình yêu và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra cho họ.

- Sự bán linh hồn làm nô lệ cho những đam mê, thú vui nghiện ngập tình dục.

- Sự tôn thờ những ngẫu tượng tình dục và sắc dục.

Xin Máu và Nước cứu độ của Chúa tuôn đổ trên họ, tẩy rửa, giải thoát họ ra khỏi những vũng lầy của tăm tối, và đưa họ trở về dưới sánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

Đọc: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng.... Vì cuộc tử nạn….

Hát: Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con. Hỡi Trái Tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài.

II- Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Thứ Hai - Xin Chúa Chữa Lành Về Tâm Lý
Chúa Giêsu chịu đánh đòn mang lấy những thương tích của tội lỗi nhân loại. Bị trói vào cột đá, tay quặp ra phía sau, Chúa Giêsu khom lưng, cúi đầu chịu sự tra tấn kinh hoàng trên thân xác Chúa. Những tên lý hình say máu, dốc toàn sức lực trút cơn giận dữ của họ trên những roi đòn quất vào thân xác Chúa Giêsu. Những vết thương sưng bầm, máu chảy chan hoà trên thân xác Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương tâm lý của những người nghiện tình dục, để xin Chúa chữa lành và giải thoát cho họ về:

- Những tư tưởng, ước muốn, đam mê, thèm khát tình dục.

- Những ám ảnh về những cuộc truy hoan, loạn luân, thú vui thân xác.

- Những cơn nghiện ngập làm rối loạn thần kinh, tâm trí, đói khát tình dục.

- Những ý nghĩ xấu, âm mưu đen tối để có thể thoả mãn tình dục.

- Những dày vò trong nội tâm, mặc cảm xấu xa, muốn tự tử.

- Những căng thẳng thần kinh, sợ sệt, hoang mang, thất vọng.

- Những tiềm thức quá khứ đau thương của sự bị hãm hiếp, cưỡng dâm và hành hạ tình dục.

Xin Chúa Giêsu dùng quyền năng để chữa lành, giải thoát và tẩy rửa trí óc, tư tưởng để mang họ về sống trong tình yêu và trong lòng thương xót của Chúa. Amen.

Đọc: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng.... Vì cuộc tử nạn….

Hát: Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con. Hỡi Trái Tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài.

III- Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Thứ Ba - Xin Chúa Chữa Lành Về Cảm Xúc.
Chúa Giêsu chịu đội mão gai, bị những gai nhọn đâm thấu vào tim óc. Chúa Giêsu là vị vua cao cả từ trời đến thế gian, nhưng chịu sỉ nhục, nhạo báng như một tội nhân vì yêu thương nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương cảm xúc của những người nghiện tình dục, để xin Chúa chữa lành và giải thoát cho họ về:

- Tính tình nóng nảy, hay bực tức, giận giữ, chửi bới, ăn nói thô tục.

- Tính trầm cảm, cô đơn do hậu qủa sự nghiện tình dục.

- Sự mặc cảm tội lỗi, mất niềm tin, mất hy vọng vào lòng thương xót của Chúa.

- Sự thù hận, muốn trả thù đời, muốn chiếm đoạt thân xác người khác.

Xin Chúa lấy đi tất cả những cảm xúc không tốt đó, và đổ tràn hoa quả của Chúa Thánh Thần vào trong họ, và ban cho họ một đời sống mới bình an, trong sạch, lành mạnh và thánh thiện. Amen.

Đọc: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng.... Vì cuộc tử nạn….

Hát: Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con. Hỡi Trái Tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài.

IV- Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Thứ Tư - Xin Chúa Chữa Lành Về Mối Quan Hệ.
Chúa Giêsu vác cây thánh giá, làm chiếc cầu nối lại những mối quan hệ đã đổ vỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người. Con đường gồ ghề sỏi đá dẫn lên núi Sọ, Chúa đã nhọc nhằn vác thánh giá bước đi vì tội nhân loại. Vì mệt lả đói khát, Chúa đã ngã xuống đất nhiều lần, nhưng Ngài đã đứng dậy và đi tới đỉnh đồi.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương cảm xúc của những người nghiện tình dục, để xin Chúa chữa lành và giải thoát cho họ về:

- Sự đánh mất ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa khi chọn sống trong tội lỗi.

- Những quan hệ gãy đổ giữa họ với người liên hệ.

- Những quan hệ đổ vỡ trong hôn nhân, gia đình vì ham muốn xác thịt.

- Những lần phá thai, giết người do hậu quả của sự xúc phạm hay nghiện tình dục.

Xin lòng thương xót Chúa hàn gắn lại những mối quan hệ đổ vỡ, chia lià, xa cách đó, mang họ trở về dưới mái ấm gia đình và Giáo Hội. Amen.

Đọc: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng.... Vì cuộc tử nạn….

Hát: Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con. Hỡi Trái Tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài.

V- Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Thứ Năm - Xin Chúa Chữa Lành Về Thân Xác.
Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, cứu nhân loại khỏi sự chết đời đời. Chúa Giêsu chịu đánh đòn, vác thánh giá, chịu đóng đinh, nhưng trước khi gục đầu trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những quân lính đóng đinh Ngài. Sự tha thứ của Chúa không hề từ chối những ai thành tâm sám hối tội lỗi trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương thân xác của những người nghiện tình dục, để xin Chúa chữa lành và giải thoát cho họ về:

- Những căn bệnh si-đa, HIV, ung thư do hậu quả của thú vui tình dục.

- Những bệnh đau nhức bắp thịt, khớp xương, nhức đầu, run tay chân, tê liệt thân xác.

- Những bệnh hiếm muộn, không có con, bướu tử cung, ung nang buồng trứng.

- Những bệnh yếu sinh lý, bất lực.

Chúng con cậy nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, cậy nhờ Máu và Nước cứu độ của Chúa tuôn chảy trên họ, chảy vào những vết thương và chữa lành cho họ. Amen.

Đọc: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng.... Vì cuộc tử nạn….

Hát: Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con. Hỡi Trái Tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài.

Kết thúc:

Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. (3 lần).

Ôi, máu và nước tuôn ra từ trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch lòng thương xót, chúng con trông cậy ở nơi Ngài. (3 lần).




THÁNH MARTINÔ DE PORRÈS.BỔN MẠNG GIÁO XỨ THÁNH MARTINÔ .3/11






                         THÁNH MARTINÔ DE PORRÈS 

Ðọc tiểu sử của thánh nhân, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thánh nhân bị mang tiếng xấu vì Ngài là kết quả của cuộc hôn nhân không chính thức. Vì thế, Ngài bị gán cho cái tên con ngoại hôn, con ngoại tình.
Mang trên người dòng máu của cha mẹ da đen. Thánh nhân cũng mang dáng dấp của một cậu trai có nước da đen, xấu xí. Thánh nhân được liệt vào nô lệ da đen, nghĩa là được gán cho một tên không lấy gì làm hãnh diện lắm, một hạng người cùng đinh trong xã hội lúc đó. Nhưng cái xấu xa xã hội dán nhãn hiệu cho thánh nhân lại càng làm cho thánh nhân cảm thấy hạnh phúc. Ngài đã chọn ngay sự xấu xa, hèn hạ mà xã hội gán cho Ngài, trở thành đường tiến đức và dẫn Ngài trên con đường thánh thiện.

THÁNH NHÂN ÐÃ BIẾN MỌI SỰ NÊN TỐT

Bị người đương thời khinh bỉ, nhạo báng, thánh Martinô de Porrès đã biến tất cả trở thành hồng phúc cho Ngài và qua Ngài nhiều người được lãnh nhận ơn Chúa. Quả Thiên Chúa có cách nhìn của Ngài. Thiên Chúa chọn ai là do ý Ngài. Ngài có cái nhìn của Ngài, Ngài có lối đi của Ngài. Thánh nhân đã xin vào dòng Daminh vào năm Ngài tròn 22 tuổi với tư cách làm người giúp việc cho nhà dòng. Tuy nhiên, cuộc đời của thánh nhân là cả một sự kỳ diệu. Thánh Martinô đã được bề trên nhận vào bậc trợ sĩ và dần dà được khấn vĩnh viễn trong nhà Dòng.Ngài có lòng thương người nghèo, bệnh hoạn tật nguyền, nhất là những người thuộc hàng nô lệ da đen. 
Thánh nhân cũng cho nhân loại thấy rằng Thiên Chúa là Ðấng chí công sẽ không để ai phải thất vọng. Ngài chỉ cho mọi người biết tất cả đều là anh em với nhau không phân biệt mầu da, tiếng nói, sắc tộc. Trong Chúa tất cả đều như nhau, bình đẳng và đều được thiên Chúa yêu thương. 
Thánh nhân ngay từ nhỏ đã được nhiều ơn rất đặc biệt như nói tiên tri, làm phép lạ, ngây ngất trước Chúa, ngất trí và được nhiều ơn lạ lùng khác. Ngài có óc thông minh và khôn ngoan phi thường.

MỘT CUỘC ÐỜI TẬN TỤY ÐƯỢC CHÚA THƯỞNG CÔNG

Với địa vị khiêm tốn làm trợ sĩ trong Dòng Ðaminh, thánh Martinô đã sống hết mình, phục vụ Chúa hết mình qua những người anh em sống xung quanh.

 Thánh nhân đã cảm nghiệm sau xa lời Chúa:
 " Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, khát cho uống, rách rưới cho Ta ăn mặc".
 Dưới dáng dấp của một tên nô lệ vô dụng, Thiên Chúa đã nâng Ngài lên. Ngài đã biến mọi khoảng khắc trong cuộc đời của mình trở thành niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế, sau những ngày, những năm tháng làm việc tận tụy, thánh nhân đã an nghỉ trong Chúa.

 Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô XVI đã tôn phong chân phước cho Ngài vào năm 1836. Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã tôn vinh Ngài lên bậc hiển thánh năm 1962.

Lạy Chúa Giêsu,xin cho chúng con luôn biết noi gương thánh Martinô làm chứng cho Chúa và biết biến những sự xấu nên tốt để tiến đức.Amen.




Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

CÁC THÁNH KHẢI HOÀN CA



 Thế giới trần gian này có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, nhiều hạng công dân, nhưng thế giới Thiên Chúa chỉ có một quốc gia và một hạng công dân: Công dân Nước Trời.

 Các Thánh là những người đã được vĩnh viễn nhập quốc tịch và chính thức là công dân Nước Trời . Đây cũng là niềm khát vọng cháy bỏng của mỗi Kitô hữu.

Giáo hội của Thiên Chúa  “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6)

Giáo hội duy nhất nhưng được nối kết từ ba thành phần: Giáo hội Khải hoàn (các thánh trên Thiên Đàng), Giáo hội Đau khổ (các thánh nơi Luyện Ngục), và Giáo hội Chiến đấu (các thánh lữ hành trần gian). 
Ba thành phần của Giáo hội mang tính bất khả phân ly, được gọi là “các thánh cùng thông công”.Tháng Cầu Hồn là dịp thể hiện tính thông công đó .

Thánh Gioan cho biết thêm: “Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: 

‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’. Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen!

 Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 7:9-12).

Trong bốn con vật, mỗi con đều có sáu cánh và đầy các mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai như con bò tơ, Con Vật thứ ba như con người, và Con Vật cuối cùng như đại bàng. Bốn con vật này được dùng làm biểu tượng của bốn Thánh Sử.


Thánh sử Mattheu. biểu tượng mặt người là do sách Tin mừng Ngài viết bắt đầu bằng gia phả của Chúa Giêsu về tính loài người nên con vật có mặt người tượng trưng cho phúc âm Mattheu



Thánh sử Marco. biểu tượng mặt con sư tử là do sách Tin mừng Ngài viết khởi đầu bằng khung cảnh của hoang mạc núi rừng, nơi Gioan sinh trưởng, ăn chay, cầu nguyện, giữa những sư tử và muôn loài cầm thú.



Thánh sử Luca- biểu tượng mặt bò là do sách Tin mừng Ngài viết khởi đầu bằng việc dâng của lễ trong đền thờ và truyền tin cho ông Dacaria...Mà dâng lễ thời đó thường là dâng những con bò làm của lễ tế Thiên Chúa

Thánh sử Gioan . biểu tượng chim phượng hoàng là do sách Tin mừng Ngài viết khởi đầu bằng những hình ảnh, suy tư cao vời, sâu sắc. Đọc bài đó, người ta có cảm giác như cùng với tác giả tung hồn lên không trung ngắm cõi màu nhiệm của Thượng Đế, tựa hồ phượng hoàng cao bay chót vót lên tận mặt trời vậy.
Khi Thánh Gioan được thị kiến, một trong các Kỳ Mục hỏi xem những người mặc áo trắng đó là ai và từ đâu đến (Kh 7:9-13), Thánh Gioan trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy liền bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” 
(Kh 7:13-14). 

Các Thánh đã giặt áo mình như vậy, nghĩa là dù chịu trăm cay ngàn đắng lúc sinh thời nhưng các ngài vẫn kiên tâm bền chí, một niềm tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, cậy nhờ Công Nghiệp Cứu Độ của Đức Kitô. Thật hạnh phúc biết bao!

CácThánh cũng đã từng là phàm nhân với bản chất yếu đuối như chúng ta, nhưng các Ngài đã quyết tâm tuân giữ Thánh Luật của Thiên Chúa, thực hiện tới hơi thở cuối cùng, bất chấp dạng đau khổ nào. Các ngài sống được như vậy hẳn là các ngài đã cảm nghiệm được sự mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót. 

Trong số các Thánh đó có các Thánh tử đạo Việt Nam, những người cũng có hoàn cảnh sống giống như chúng ta, thậm chí cuộc sống còn khó khăn  hơn chúng ta hiện nay, vậy mà các Ngài vẫn một niềm tín trung với Thiên Chúa.Coi thường mạng sống

Chúng ta chỉ là “dân ngoại” nhưng rất hạnh phúc vì đã biết Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta đều là những “người trở về từ cõi chết”, được tắm gội trong suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

 Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (1 Ga 3:1). 

Chúng ta chỉ là phận tôi đòi, là tội nhân khốn nạn đáng mang án tử, thế mà lại được sống lại và được làm con cái Chúa. Những người không có niềm tin Kitô giáo thì không thể nào tin được. Sự thật là vậy đó.
Thiên Đàng là Nước Trời, là Vương Quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa, nơi mọi người được trường sinh bất tử . 
Muốn được là Công Dân Nước Trời, chúng ta phải cố gắng sống như các Thánh, tức là thực hành Bát Phúc (Mt 5:1-12).

 Đây là BảnTuyên Ngôn Độc Lập   do chính Chúa Giêsu soạn thảo. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và “độc đáo” nhất.

1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Tám điều khoản xem chừng như rất bình thường, nhưng không dễ thực hiện nhất là phải thực hiện mọi nơi , mọi lúc, trong suốt cuộc đời người Kitô hữu .Phải có cái tâm yêu thương thì mới có khả năng thi hành trọn vẹn Bản Tuyên Ngôn Nước Trời.

 Chúa Giêsu kết luận Bản Tuyên Ngôn : “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết từng ngày noi gương các thánh, trung kiên làm chứng về Lòng Thương Xót của Ngài và loan báo Tin Mừng cứu độ cho tới hơi thở cuối cùng, dù chúng con có phải thiệt thòi cách nào đó.

 Nguyện xin chư Thánh cầu thay nguyện giúp chúng con, phù hộ và nâng đỡ chúng con để chúng con luôn can đảm bảo vệ Đức Tin như các Ngài , để chúng con cũng được trở nên Công Dân Nước Trời . Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.




Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

SỰ SỐNG KHÔNG MẤT NHƯNG CHỈ ĐỔI THAY








Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau:
"Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.

Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn.
 Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp 
Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên  đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. 

Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".

Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: 
"Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". 

Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết.

Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. 

Thánh Phaxicô Assisi trong kinh Hòa Bình có nói về sự chết như sau :Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời .

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng ta với những người chết. 

 Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết.
 Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.

Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống.

Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. 

Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.



Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ . LỄ KÍNH.28/10






                  Tin Mừng Luca (.6,12-19.)

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng,  Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ


Thánh Simon mang tên hiệu là Cananêan. Theo tiếng Hy lạp, có nghĩa là “nhiệt thành”; nó nhắc cho chúng ta lời tiên tri Êlia: “Sự nhiệt thành với Chúa Giavê đã nung nấu tôi” (III Reg 29,10)

Thánh GIUĐAmang tên hiệu là Thađêô và đã được thánh Giêrônimô tặng khen là “Người có bản lĩnh”. Trong bữa tiệc ly, chính ngài đã hỏi Chúa Giêsu:

 “Lạy Thầy, sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ ra cho thế gian?” (Ga 14,22); 
và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ai mến Thầy sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến họ, và chúng ta sẽ đến với họ và chúng ta sẽ ở lại nơi họ... (Gn 14,23).


Chúng ta được biết rất ít về hai thánh tông đồ vì hình như các ngài chỉ được Chúa Giêsu chọn như những người “phụ tá”. 

Trong Phúc âm, thánh Máccô (Mc 3,18) và thánh Matthêu (Mt 10,4) xếp thánh Simon đứng thứ 11 và thánh Luca (Lc 6,15) ghi tên ngài vào hàng thứ 10 trong số các tông đồ. 

Còn thánh Giuđa, chúng ta đọc thấy đứng thứ 11 trong Phúc âm thánh Luca và mang tên là Thađêô, đứng thứ 10 trong Phúc âm thánh Maccô và Matthêu. 

Sự kiện về ngôi thứ của hai thánh nhân gợi cho chúng ta hình dáng những người thợ được thuê vào lúc 5 giờ chiều (Mt 20,6), và những khách mời hèn mọn (Lc14,10) mà Chúa nói trong Phúc âm. 

Vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn sơ rằng sở dĩ các ngài có một chỗ ngồi kém quan trọng trong số các tông đồ, có lẽ vì đã theo Chúa sau cùng hay vì còn trẻ tuổi.

 Riêng về cuộc đời giảng đạo và cuộc tử nạn của  Thánh Simon, chúng ta có nhiều sử liệu khác nhau. Theo ông Nicêphorê Callistô, một tác giả thời danh vào thế kỷ XIV, thì thánh nhân giảng đạo ở Phi châu và miền Granda Britania. Ý kiến này phù hợp với sự quyết đoán của nhiều sử gia Hy lạp, tuy nhiên ít được coi là chính xác.

 Vì theo thánh Fortuna, Giám mục thành Poitiers và ở cuối thế kỷ thứ VI, chúng ta biết thánh Simon và thánh Giuđa được mai táng tại Ba tư.
Tác giả cuốn “Dã sử về các tông đồ” cũng chép: Hai thánh nhân lãnh phúc tử đạo tại Suanir thuộc Ba tư. Đàng khác, và ở thế kỷ IX, tu sĩ dòng Êpiphanô trong cuốn “Tiểu sử thánh Anrê tông đồ” lại viết: Tại Nicopsis, một tỉnh nhỏ gần miền Caucasie, người ta còn giữ được hài cốt thánh Simon. Cũng nơi đây và ở quãng thế kỷ thứ VII, nhiều giáo hữu Hy lạp đã góp tiền xây một nhà thờ kính thánh nhân. Sau hết, từ xưa, trong đền thờ cổ kính thánh Phêrô tại Rôma, vẫn có một bàn thờ kính riêng hai thánh Simon và Giuđa. 

Vậy phải chăng căn cứ theo những sử liệu trên mà trong cuốn “tử đạo” của dòng thánh Giêrônimô, người ta đã quyết hai thánh tông đồ tử đạo ngày 01 tháng 07, và kính lễ các ngài vào ngày 28.10.

Thánh Giuđa, mặc dầu được nhắc đến nhiều hơn trong Phúc âm, cũng không cho chúng ta biết rõ mấy về dòng tộc, cuộc đời rao giảng và cuộc tử đạo của ngài. Tuy nhiên, điều chắc chắn, ngài là một trong mười hai vị tông đồ, mang tên hiệu là Thađêô .

Thánh Giuđa sung sướng vì là người đầu tiên được biết cách sống thân mật với Thiên Chúa cách hoàn hảo và thân tình hơn ông Giakêu. Hơn thế, theo Phúc âm (Mt 13,55; Mc 6,3), thánh Giuđa là người làng Nagiarét, con ông Clôpas và bà Maria, anh em với Chúa Giêsu, thánh Simon và thánh Giacôbê sau làm giám mục thành Giêrusalem. 
Về sau, ông Ôrigênê tìm được một bức thư nhỏ của thánh Giuđa; nhờ đó, người ta có thể đoán rằng thánh Giuđa cùng đi rao giảng Phúc âm với “Những anh em Chúa Giêsu” (x. 1Cr 9,5). Tuy nhiên không biết rõ ngài đi rao giảng những nơi nào!

Vì theo thánh Giêrônimô, thánh Giuđa giảng Tin mừng tại Osrosênê, và theo ông Nixêphôrê Callistô, ngài truyền bá Phúc âm tại Mêsôpôtamia. Đàng khác, thánh Paulinô Nola lại chủ trương thánh Giuđa là tông đồ xứ Libia. 
Riêng về cuộc tuẫn giáo của thánh Giuđa, hiện nay không có một sử liệu nào xác thực. Tuy nhiên cho đến bây giờ các sách “tử đạo La tinh” vẫn giữ ý kiến của thánh giám mục Phôtuna cho rằng xác thánh tông đồ đã được mai táng tại Ba tư.

Sau hết, để bổ khuyết vào những sử liệu trên, chúng ta cùng với tác giả Tillemont kết luận rằng: “Không gì chắc chắn hơn trong sự kiện này là thú nhận chúng ta không hiểu chi về những điều thực sự chúng ta không biết và hãy hãm dẹp tính tò mò, ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng đời sống mai ẩn của các vị đại thánh dạy chúng ta ăn ở khiêm nhường, ẩn dật, trước mặt nhân loại hầu được hiển sáng hơn trong vinh quang của Người.

Lời Chúa phán :Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.




NHÌN BONSAI. NGHĨ VỀ MỘT KIẾP NGƯỜI




Yêu thương xin nở nụ cười
Vị tha là để lòng người thanh cao


Hơn thua so với chính mình
Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua.



Ngỡ chỉ là một cuộc chơi
Ngoái lại sau thấy một trời phù vân.



Hãy sống và ước vọng
Để thấy đời mênh mông.



Trần gian mắc đọa nợ nần
Mai sau hóa kiếp bụi trần tìm vui.



Ta nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.



Đơn sơ thôi những nụ cười
Cho ta ý nghĩa cuộc đời từ nhau.



Trăm năm nhìn xuống đời hư ảo
Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời.



Người từ vô tận tái sinh
Đi qua trần thế mang tình nhân gian.



Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường.



Núi là núi, sông là sông
Thiền là một tách trà nồng trên tay.



Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà chi.



Bóng trúc quét sân trần chẳng đọng
Vầng trăng xuyên biển nước không xao.



Khói trần bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng trải qua miền quạnh hiu.



Trần gian mỏng mộng vô thường
Đường xa mỏi mệt tôi nhường nhịn tôi.



Trải qua mấy bận long đong

Ngộ ra chẳng sắc thì không cũng đành.



Cuộc đời bao khúc bể dâu
Tặng nhau chữ Tín bắc cầu Phúc duyên.



Nếu biết vô thường cơn sóng lặng
Thì lời trùng ngộ thốt mà chơi.



Phú quý vinh hoa như mộng ảo

Sắc tài danh lợi tựa phù du.



Có tài chớ cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần.



Ngày mai mơ mộng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu.



Điều chí thiện long lanh cùng cái đẹp
Mỗi ngày đời lắng đọng cả trăm năm



Đường trần ta cứ rong chơi
Vui thêm bước nữa buồn thôi lại về.



Bỗng nhiên ta gặp lại ta
Bồng bềnh trong cái gọi là nhân gian.



Ngước lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.



So với cái mênh mông của vũ trụ
Thì nỗi buồn của hạt bụi có ra chi.



Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp
Nhân hòa đức độ tạo thành công.



Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng

Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.



Muốn thành công phải trải qua thất bại
Trên đường đời có dại mới có khôn.



Yêu ghét ta chẳng bận lòng
An tâm tự tại thong dong bên đời.



Giã từ cõi mộng điêu linh
Ta về buôn bán với mình phôi pha.



Ta về ngồi lại tình hư ảo
Hư ảo không còn chỉ có ta.



Bởi kiếp sống biến ta thành gỗ mục
Ta vươn mình hóa kiếp Phong Lan.



Cuộc đời sóng gió nuôi ta lớn
Bao lần thất bại dạy ta khôn.



Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui.



Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Mà có ra sao cũng chẳng sao.



Đường tương lai gặp nhiều gian khó
Đừng nản lòng hãy gắng vượt qua.



Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau.



Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.