LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

LỄ THÁNH GIA .NĂM B



ALLELUIA: Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

BÀI PHÚC ÂM: Lc 2, 22-40
"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
 Đó là lời Chúa.


Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ thơ khác, như mỗi người chúng ta. Và cha mẹ Ngài cũng là những người lao động, phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác.
 Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ, bé bỏng, cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.
Rồi những năm thơ ấu, Chúa Giêsu đã sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Ngài và Thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván.
 Ba mươi năm tại Nagiarét là một chuỗi ngày bình dị, như hàng trăm gia đình cùng thôn làng .
Trong cuộc sống bình dị nhưng chất chứa bao tình thương ấy, Chúa Giêsu đã sống thân mật với Cha Ngài, đã sống hiếu thảo với cha mẹ trần thế của Ngài, đã sống chan hòa bác ái với những người chung quanh.
 Rồi cha mẹ Ngài là những người kính sợ Thiên Chúa cũng đã sống hết mình với Thiên Chúa, tận tụy và thương yêu con cưng của mình.
 Giữa Đức Maria và Thánh Giuse thì thật là một mối liên hệ có một không hai trong lịch sử loài người, chắc chắn tình yêu thương đậm đà và lòng tôn kính là những nét đặc thù nhất, khiến Thánh Giuse được gọi là người công chính, còn Maria là người có phúc hơn mọi người phụ nữ.

Sách Huấn ca hôm nay đã nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ trong gia đình, khiến chúng ta dễ hình dung ra cách sống của Con Thiên Chúa làm người dưới mái nhà Nagiarét. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôsê đề cập đến mối quan hệ giữa những người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn sống thành gia đình, gia đình của Thiên Chúa: đó là lòng từ bi, nhân hậu, là khiêm cung, ôn hòa, là nhẫn nại chịu đựng, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. 
Gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là một gia đình đã sống trọn vẹn hơn ai hết tinh thần ấy, vì các thành viên trong gia đình thánh này đều là những tôi tớ của Thiên Chúa, trong ý nghĩa là mỗi vị và cộng đoàn ba vị đều lãnh nhận từ Thiên Chúa một sứ mạng đặc biệt.

 Gia đình Nagiarét là gương mẫu, là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, đối với mỗi gia đình Công giáo ngày nay.

Xin Chúa giúp chúng con theo gương Chúa sống trung hiếu với Cha trên trời, thảo kính ông bà cha mẹ ở trần gian và sống tình huynh đệ với mọi người. Biết vâng giữ luật Chúa, luật Hội Thánh và các luật lệ chính đáng trong xã hội.Amen.



Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B.TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA


  
             
                     TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Đó là lời Chúa.Tạ ơn Chúa.



 Chúa nhật tuần 4 này ta nghe tường thuật theo tin mừng Luca về việc truyền tin cho trinh nữ Maria ở Nazarét. Người trinh nữ này được xác định rõ là đã đính hôn với Giuse thuộc chi họ Đavít, và tên của bà là Maria.

Trong tường thuật của Luca, ngay từ lời chào của sứ thần dành cho trinh nữ Maria không phải chỉ là một lời chào thông thường mà là cách nói lên tình trạng rất lạ lùng  đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà”. Đây là một tên mới dành cho Maria. Maria là người trinh nữ được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn đặc biệt bằng mọi ơn sủng để Maria không hề ở dưới bóng dáng của tội lỗi mà ngược lại luôn ở trong sự kết hợp ân sủng mật thiết với Thiên Chúa để có thể cộng tác hiệu quả vào việc đón nhận con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đồng thời thiên sứ cũng giải thích lý do của việc thăm viếng bằng cách báo cho Maria biết bà sẽ thụ thai và sẽ sinh con trai và con của bà sẽ được gọi là con Đấng Tối cao, và sẽ thừa hưởng ngai vàng Đavít tổ tiên người.

Đứng trước một ơn trọng đại như thế, được phúc làm mẹ của người con sẽ được thừa hưởng ngai vàng Đavít
. Nhưng Maria đã rất khiêm tốn và chân thành hỏi làm sao điều này có thể xảy ra. Sứ thần đã giải thích rằng Maria mang thai do quyền năng Thánh Thần, và người con bà sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Sau cùng Maria đã hết lòng ưng thuận với tâm tình khiêm tốn vâng theo thánh ý Chúa. 
Mầu nhiệm giáng sinh muốn nói chân lý này: đây không phải là sự sinh hạ bình thường do bởi sự kết hợp vợ chồng, nhưng đây là việc Thiên Chúa đến với con người, nhập thể làm người và trở nên bé nhỏ để ở trong lòng một trinh nữ, đón nhận một sự sinh hạ bình thường như mọi trẻ thơ. 
Chỉ có điều là hài nhi này được cưu mang bởi một trinh nữ và do tác động quyền năng của Thánh Thần làm cho chúng ta hình dung một sự can thiệp mạnh mẽ của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại. 

Về vai trò của Trinh nữ Maria, chúng ta có thể nhìn ngắm đây là công trình của ân sủng Thiên Chúa. Maria là người đi trước chúng ta trong sự tự do đáp lại lời mời gọi của ân sủng. 
Từ khi nguyên tổ phạm tội, trái đất dường như khép kín lại trong tội lỗi và sự ích kỷ của mình, không muốn đón nhận mọi hoạt động của ân sủng Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn nhẫn nại khơi lại nơi trái đất những con người sẵn lòng để đón tiếp Thiên Chúa.
 Maria, một người trinh nữ nhỏ bé trong nhân loại, đã đi trước mọi người  trong tiếng thưa vâng thực là tinh khiết đến độ chúng ta có thể reo vui để nói rằng sự sống đã chiến thắng những bóng tối tội lỗi và kiêu căng.
 Sự khiêm nhường vâng phục của một người nữ là Maria đã chiến thắng sự kiêu căng bất vâng phục của Evà xưa để cho Thiên Chúa  nhập thể trong lòng trinh khiết của Maria.


Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết noi gương Mẹ nói lời “Xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa, trong niềm hy vọng, cậy trông nơi Chúa.Tạ ơn Chúa.





Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

GIOAN TIỀN HÔ.NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG




Thánh Gioan Tiền Hô làm nhiệm vụ dọn đường cho Chúa Giêsu  loan tin với thái độ đầy tin tưởng và khiêm tốn:
 Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.
Gioan cũng chuẩn bị tâm hồn con người của ông qua phép rữa trên sông Giođan, nhưng cùng một cung cách loan tin khiêm tốn:
 Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.

Sự khiêm tốn của Thánh Gioan phát xuất từ tâm hồn đạo đức chìm sâu trong suy niệm, ăn chay sám hối và đợi chờ Đấng Cứu Thế. 

Ngài biết rõ mình chỉ là tạo vật nhỏ bé ẩn dật trong rừng sâu để trở thành dụng cụ loan tin của Chúa, đóng góp vào công cuộc cứu chuộc của Ngài .


Chúa đã cho ông được diễm phúc chứng kiến Mầu Nhiệm Ba Ngôi vĩ đại khi Chúa Giêsu đến với ông để chịu phép rửa: Chúa Thánh Thần trong hình bồ câu đậu trên mình Chúa Giêsu, cùng với tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống:
 Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha. 

Phép rửa của Chúa Giêsu với Gioan Tiền Hô là khởi đầu công cuộc rao giảng của Ngài về Thiên Chúa Ba Ngôi: 
 Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm này đã không được Thiên Chúa mạc khải trong Cựu Ước, phải chờ đến Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, loài người mới được Ngài dạy cho để họ không bị lầm lạc.
Qua hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong Phép Rửa tội ,  Gioan Tiền Hô đã phải chuẩn bị cả đời mình trong khiêm tốn, mới xứng đáng được chiêm ngưỡng sự huy hoàng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Gioan được soi sáng gọi là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian. 

Với chi tiết này, Phép Rửa được báo hiệu như Bí Tích Thanh Tẩy tội lỗi: Tội tổ tông và tội riêng mỗi cá nhân qua muôn thế hệ. 
Sự  huyền nhiệm Phép Rửa đã khiến Gioan Tiền hô xác nhận:
 Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. 
Do đó, các yếu tố, Nước, Thánh Thần, và thân phận Đức Kitô đã làm nên mầu nhiệm Phép Rửa.

Suy niệm về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, người Ki tô hữu cũng nên hỏi lại tính cách nhân chứng của mình trong Bí Tích Rửa tội đã lãnh nhận:

 Hình ảnh Chúa Ba Ngôi có sáng ngời và trở thành ưu tiên cho mọi hơi thở và mọi hoạt động trong hành trình đức tin và cuộc sống của mình không?

 Hãy sống khiêm tốn như Gioan Tiền hô, người tín hữu sẽ nhận được sức mạnh và ơn Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức để chu toàn nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, là khởi sự và cũng là cùng đích cuộc đời người Ki tô hữu.Tạ ơn Chúa.


Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

LỊCH SỬ HANG ĐÁ GIÁNG SINH






Hang đá Giáng sinh được bắt nguồn từ Thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assisi. Phanxicô (1181-1226) trước hết là vị thánh của nhân đức khó nghèo. Vì vậy, ngài có biệt danh là ‘’il Poverello’’ (người nghèo khiêm hạ).

Tuy là vị thánh lập Dòng các Anh em hèn mọn (Ordre des Frères mineurs, viết tắt : OFM), ngài tự nguyện là phó tế vĩnh viễn. Hang đá Bê Lem là biểu tượng của khó nghèo.

Vì vậy, thánh nhân yêu mến lễ Giáng sinh. Chính Ngài đã nghĩ ra việc dựng máng cỏ Noël để tôn kính Chúa Hài đồng và Thánh gia.

Năm 1223, thánh nhân từ thành Assise đến Rôma để thỉnh cầu Đức Thánh Cha Honorius IV (1210-1287) phê chuẩn luật dòng. Nhân dịp này, Đức Hồng y Hugolin mời thánh nhân dùng bữa trưa cùng với một số vị khác. Thánh nhân tới bàn tiệc, rút trong tay thụng nâu vài mẩu bánh mì đen bình dân vừa xin được ngoài phố, mời các vị khách. Vị giáo chủ không vui trước việc làm của thánh nhân, vì ngài khoản đãi bữa tiệc theo nghi lễ (repas protocolaire). Nhưng tất cả đều vui lòng san sẻ cùng thánh nhân bánh mì xin được. Sau bữa tiệc, vị giáo chủ nói với thánh nhân :

- Người anh em ơi, tại sao lại làm ta phải cực lòng vì phải ăn xin, trong khi con là khách quý của ta ? Con không biết nhà ta chính là nhà của con, và những gì có trong nhà này là của con hay sao ?

- Lạy Ngài, thánh nhân lễ phép thưa lại, bởi vì không có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn nhân đức Khó nghèo. Không phải là con muốn làm Ngài phải xấu hổ. Trái lại, con muốn làm vinh danh Ngài nên nghênh đón Chúa ngự trong nhà Ngài. Thiên Chúa đã chấp nhận sống nghèo ở trần gian chỉ vì yêu mến chúng ta.

- Con ơi, ĐHY Hugolin ôm chầm lấy thánh nhân nghẹn ngào nói tiếp, con cứ làm theo ý con đi. Bởi vì, thật rõ như ban ngày, Thiên Chúa ở cùng con. Chính Ngài đã dẫn dắt đường đi nước bước của con.

Sau mẩu đối thoại làm xao xuyến lòng người vừa kể, xin trở lại hang đá của thánh nhân. Theo tác giả Omer Englebert, hai tuần lễ trước Giáng sinh năm 1223, trên đường từ Rôma về Assise, thánh nhân dừng chân ở thị trấn Greccio (khoảng giữa đường từ Roma tới Assise), và gặp Jean Velita, một điền chủ giầu có vừa từ bỏ binh nghiệp để nhập dòng. Kế cận Greccio là dải núi đá bao quanh một thung lũng rộng. Trên núi đá thẳng đứng có một cái hang, được che khuất bằng một hàng cây. Phanxicô nói :

‘Ta mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở

 Bê Lem, nhưng làm sao thể hiện được nỗi cơ cực và khổ đau của Ngài ngay từ thuở còn thơ để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô. Con dẫn theo một con lừa và một con bò, giống như bò lừa đã chầu quanh Chúa Hài đồng năm xưa.’’

Theo Celano kể lại, trong đêm Noël, các anh em ẩn sĩ quanh vùng và dân làng đốt đuốc sáng trưng địa điểm hành lễ. Đoàn người lặn lội men theo đường núi gập ghềnh, khúc khuỷu tới trước hang đá. Bao nhiêu hang động xung quanh dội lại lời ca nguyện của các thầy trợ sĩ, chen lẫn đồng ca điệp khúc của cộng đoàn. Thánh lễ cử hành trên một bàn thờ treo. Thánh nhân bận chiếc áo thụng (dalmatique) của thầy phó tế, giúp vị chủ lễ. Ngài hát bài phúc âm, công bố Tin Mừng cho những người thiện tâm và chia sẻ lời Chúa. Ngài dùng những lời dịu ngọt để nhắc lại sự tích vị ‘‘Hoàng đế nghèo’’ sống trước thánh nhân 12 thế kỷ, chào đời ở Bê Lem. Người ta kêu ngài là Giêsu, hoặc Hài đồng Bê Lem (Enfant de Bethléem). Thánh Phanxicô bắt chước tiếng chiên lừa khi phát âm hai tiếng : ‘’Bethléem’’ (prononçant Bethléem comme un agneau qui bêle). Jean Velita kể lại lúc thánh nhân bắt chước tiếng chiên lừa, hài nhi Giêsu đang ngủ yên trong hang đá chợt thức giấc, nhoẻn miệng cười.

Trong bút ký của thánh Bonaventura có đoạn chép rằng : ‘‘Ba năm trước khi từ trần, thánh Phanxicô quyết định mừng lễ Giáng sinh trọng thể. Sau khi được Đức Thánh Cha cho phép, Ngài sai làm máng cỏ, bảo người mang cỏ khô và dẫn một con lừa và một con bò.
 Máng cỏ Greccio đã ban ơn thiêng cho nhiều người và cho cả những gia súc bị bệnh tới gậm cỏ khô.

Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio (1223), hàng năm, tại các giáo đường và tư gia trên khắp thế giới, người ta lại bầy máng cỏ cùng với cây thông để mừng lễ Giáng sinh.




Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ.BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO 3/12





           "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"


 Lời Chúa trongTin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay 3 tháng 12 Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537,  3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, ngày 2/12/1552 thánh nhân ngã bệnh  đã qua đời trong kiệt sức, tại một đảo Tân Châu (sancian) cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn. Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn Độ.

Ðúng 70 năm sau, Ðức Grêgôriô XV đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh (1622). Và đến năm 1904, Ðức Thánh Cha Piô X đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả mọi người .

Sống ở đời, ai cũng cần phải có một lý tưởng. Lý tưởng đó nuôi dưỡng và hướng dẫn con người sự kiên trì trong cuộc sống.
 Lý tưởng của bạn là gì? Tiền tài, danh vọng hay lạc thú? Tất cả những điều đó rồi cũng sẽ đưa  đến thất vọng, chán chường. 
Duy chỉ có mình Chúa mới có thể lấp đầy những trống vắng trong tâm hồn và giúp chúng ta vượt được bao gian nguy trong cuộc sống... 
Bạn muốn lấp đầy tâm hồn bạn với hận thù,  và cau có ư ?
Hãy trục xuất Chúa ra khỏi tâm hồn bạn... 
Bạn muốn được sự bình an đích thực và một tâm hồn minh mẫn thư thái ư ? 
Hãy để cho Chúa chiếm ngự tâm tư bạn một cách trọn vẹn...
Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này.
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta.
Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.


PHANXICÔ XAVIÊ
Quan thầy truyền giáo chuyên về phương đông
Phương bình minh toả ánh hồng
Ngài là tia sáng mãi không lịm tàn.

Lạy ơn Thánh cả Quan Thày
Một đời khắc khổ chứa đầy hy sinh
Một đời truyền giáo quên mình
Một niềm khát vọng cứu linh hồn người
Chúng con đồng kính dâng lời
Xin Người bảo trợ cuộc đời chúng con
Đoàn con nguyện hứa sắt son
Một đời tin mến vẹn tròn thiết tha,
Một đời thành kính hoan ca
Chuyên chăm sốt sắng, hài hoà yêu thương,
Theo Thày chí Thánh là Đường
Ngước nhìn Thánh giá, noi gương hiến mình
Yêu người tha thiết thực tình
Tông đồ nhiệt huyết cứu linh hồn người
Ngày nay nhuộm thắm ơn trời
Ngày sau hạnh phúc muôn đời .


Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin Chúa ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, đơn sơ khó nghèo, và lòng nhiệt thành phụng sự Chúa nơi anh chị em đồng loại. Amen.